Điều hòa Hormone
Dr David Cannata
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường là phản ánh sự cân bằng về hormone. Mặc dù đích cuối cùng của hoạt động cân bằng hormone sinh dục nữ là để chuẩn bị cho việc mang thai, nhưng rõ ràng rằng sự cân bằng này rất quan trọng đối với các cơ chế và hệ thống khác bị ảnh hưởng bởi các hormone này. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh là các ví dụ điển hình về sự mất cân bằng của các hormone có thể cản trở các bộ phận khác trong cơ thể như là hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh và kiểm soát vận mạch.
PMS & Mãn kinh
PMS gồm một loạt các triệu chứng về thể chất và tâm lý nhưng nguyên nhân chính xác vẫn còn chưa biết rõ. Nhiều triệu chứng của PMS là biểu hiện của hoạt động quá mức của estrogen; tuy nhiên một số lại phản ánh là do thiếu hụt estrogen. Khi một hormone của chu kỳ kinh nguyệt bị mất cân bằng, nó có thể ảnh hưởng tới các hormone khác của chu kỳ kinh nguyệt, làm thay đổi toàn bộ chu kỳ và các cơ chế bị ảnh hưởng bởi hoạt động hormone dẫn đến các triệu chứng của PMS. Điều này nhấn mạnh khả năng điều hòa lượng hormone trong điều trị/phòng ngừa PMS và chu kỳ không đều.
Thời kỳ chuyển tiếp đến thời kỳ mãn kinh có thể có một loạt các triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng tới chất lượng của cuộc sống. Triệu chứng khó chịu nhất là các cơn bốc hỏa/ra mồ hôi vào ban đêm. Các triệu chứng của mãn kinh xẩy ra được cho là do ngừng tiết estrogen. Giảm hoạt động của estrogen trong cơ thể có ảnh hưởng đáng kể vì nó tham gia vào việc điều hòa nhiều cơ chế. Các tác dụng này gồm cả bình ổn về cảm xúc/tâm lý thông qua tương tác với các chất dẫn truyền thần kinh; và kiểm soát vận mạch thông qua tương tác với các hormone khác và trục dưới đồi-tuyến yên tuyến thượng thận (HPA). Hệ opioid, chuyển hóa xương và tiết melatonin cũng tương tác với estrogen và bị ảnh hưởng khi giảm estrogen. Vì vậy điều trị mãn kinh, cũng giống như nguyên tắc áp dụng với điều trị PMS, mục tiêu chính là điều hòa và hỗ trợ hoạt động của estrogen cùng các cơ chế tương tác bị ảnh hưởng do giảm tiết estrogen.
Hai lựa chọn điều trị phổ biến liên quan đến điều hòa hormone là nguyên liệu chasteberry và nguyên liệu isoflavone từ đậu nành. Nguyên liệu Chasteberry không những thể hiện cơ chế điều hòa một số hormone của chu kỳ kinh nguyệt, mà còn có tác dụng hỗ trợ các cơ chế chịu ảnh hưởng của estrogen. Các nghiên cứu về isoflavone đậu nành bắt đầu phá vỡ tấm màn che phủ phytoestrogen và cho thấy isoflavone đậu nành có hiệu quả thực sự trong việc điều trị các cơn bốc hỏa. Trong bài này chúng tôi xem xét kỹ hơn về các lựa chọn điều trị này.
Chasteberry
Chasteberry là quả của cây trinh nữ (Vitexagnuscastus), một loại cây bụi nhỏ có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải và Trung Á. Nó được sử dụng từ hàng nghìn năm nay để điều trị các vấn đề về sinh sản và kinh nguyệt của phụ nữ. Tác dụng dược lý của nó xem ra là bắt nguồn từ sự kết hợp và tác dụng hiệp đồng của các thành phần hoạt tính gồm các flavonoid, iridoid glycoside, các tinh dầu dễ bay hơi và diterpene. Sự kết hợp độc đáo của các hợp chất này có khả năng điều hòa lượng hormone đặc biệt ở cả hai trạng thái quá nhiều hoặc thiếu hụt hormone.
Có một số cơ chế được phát hiện giải thích một số tác dụng dược lý của chasteberry, nhưng về sự đa dạng và kết hợp với nhau của các thành phần hoạt tính, thì sẽ cần thêm thời gian để hiểu rõ lợi ích điều trị của chasteberry. Các Diterpene trong chasteberry được gọi là các kích thích thụ thể D2 có thể khởi đầu các đáp ứng của hệ dopaminergic để ức chế sự sản xuất và tiết quá mức prolactin. Điều này đặc biệt có ích trong trường hợp bị prolactin máu cao là một yếu tố gây rối loạn sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt không đều. Prolactin máu cao cũng gây ra giảm lượng progesterone và estrogen vì vậy bổ sung chasteberry có thể làm tăng lượng progesterone và estrogen đồng thời làm giảm prolactin. Điều quan trọng là chasteberry cho thấy có thể không ảnh hưởng tới lượng prolactin khi lượng prolactin ở mức bình thường [1] và thậm chí nó cũng được biết là thúc đẩy tiết sữa do làm tăng prolactin khi sử dụng trong thời kỳ cho con bú. Điều này nhấn mạnh chasteberry là một chất cân bằng hoặc điều hòa hormone về mức bình thường hơn là có các cơ chế đặc hiệu chỉ làm tăng hoặc làm giảm lượng hormone.
Flavonoid apigenin của chasteberry có ái lực gắn kết chọn lọc với thụ thể phụ β-estrogen (ERβ), trong khi đó casticin và các thành phần khác, là các chất kích thích các thụ thể μ- và δ-opioid. Nhờ hoạt hóa hệ opioid, chasteberry có các tác dụng giảm đau và điều hòa khả năng chịu đựng cũng như là sản xuất và giải phóng β-endorphin. Tuy nhiên hệ opioid ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới một số hormone của chu kỳ kinh nguyệt và đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tâm trạng, sự ngon miệng, điều hòa thân nhiệt và hoạt động của trục dưới đồi-tuyến yên thượng thận (HPA). Vai trò bổ sung này cho thấy chasteberry có thể có tác dụng điều trị đối với một số triệu chứng của PMS và mãn kinh như thế nào.
Bằng chứng
Một nghiên cứu tổng quan 8 nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng [2] phát hiện chasteberry có tác dụng làm cho chu kỳ kinh nguyệt trở về bình thường đều đặn và giảm các triệu chứng của PMS và rối loạn tâm lý của thời kỳ tiền kinh nguyệt (PMDD) ở 7 trong số 8 nghiên cứu so các nhóm chứng tương ứng của các nghiên cứu này. Trung bình khoảng 67% các chu kỳ không đều trở về bình thường và các triệu chứng giảm đi trong khoảng từ 25% – 50%. Một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng giả dược [3] cho thấy chasteberry ưu việt hơn đáng kể so với giả dược trong việc làm giảm nhiều triệu chứng PMS ở phụ nữ bị PMS mức độ vừa và nặng (n = 67). Kết quả này cũng lặp lại ở một nghiên cứu đa trung tâm quy mô lớn hơn (n=217)[4]. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng cao Chasteberry liều 20mg/ngày (tương đương lượng khô 200mg) có hiệu quả giống như dùng Chasteberry liều 30mg/ngày và có hiệu quả hơn mức liều 8mg/ngày và giả dược trong việc cải thiện điểm số cho tất cả các triệu chứng ở phụ nữ bị PMS[5]. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng giả dược tiến hành ở 52 phụ nữ bị khiếm khuyết pha hoàng thể, thì liều 20mg chasteberry mỗi ngày làm giảm đáng kể giải phóng prolactin, bình thường hóa pha hoàng thể, cải thiện lượng progesterone và estrogen pha hoàng thể [6]. Các nghiên cứu khác cho thấy bổ sung chasteberry có thể cải thiện lượng hormone, làm cho chu kỳ trở về bình thường và cải thiện tỉ lệ mang thai ở phụ nữ bị các vấn đề khác nhau của rụng trứng [1, 7-9].
Hiện có ít tài liệu nghiên cứu lâm sàng về chasteberry riêng biệt trong điều trị các triệu chứng mãn kinh mặc dù cơ chế chủ yếu như làm tăng hoạt động của hệ dopaminergic và hoạt hóa thụ thể opioid đang được xác minh. Một điều tra 276 nhà dược liệu học ở UK cho biết đa số họ (86,3%) kê chasteberry để điều trị các triệu chứng mãn kinh [10] và nó thường được kết hợp trong nhiều công thức đa thảo dược để điều trị mãn kinh.
Isoflavones đậu nành
Genistin, diadzin và glycitin là các isoflavone được tìm thấy trong đậu nành (Glycine max), còn được gọi là các phytoestrogen; các hợp chất không steroid được chiết xuất từ thực vật có các tác dụng giống như estrogen. Khi được tiêu hóa các isoflavone này có thể được thủy phân bởi các men tiêu hóa và vi khuẩn để chuyển hóa thành dạng aglycone (dạng không đường) của chúng lần lượt là genistein, daidzein và glycitein. Khoảng một phần ba dân số thế giới có vi khuẩn ruột có thể chuyển hóa daidzein thành S-equol. Sau đó các isoflavone aglycone này có thể được hấp thu ở ruột và có các tác dụng sinh học. Cấu trúc của chúng tương tự như 17β-estradiol cũng là kháng estrogen, vì vậy có thể cạnh tranh với estrogen để gắn kết với thụ thể estrogen và bắt đầu hoạt động phiên mã. Tùy thuộc vào lượng estrogen nội sinh của cơ thể, genistein và daidzein có thể có tác dụng kích thích hoặc ức chế, nhờ vậy có thể điều hòa hoặc bình thường hóa hoạt động ở tình trạng estrogen thấp (mãn kinh) hoặc quá mức (PMS). Genistein có tác dụng estrogen nhẹ (khoảng 35% của 17β-estradiol), vì vậy nếu lượng estrogen cao, nó sẽ làm giảm tác dụng; nếu lượng estrogen thấp nó sẽ tăng tác dụng (Xem hình). Tác dụng chính của nó là khả năng kiểm soát mức độ các cơn bốc hỏa, nhưng các cơ chế tác dụng của chúng lại cho thấy chúng có thể điều hòa tất cả các triệu chứng liên quan tới sự thay đổi lên xuống của estrogen. Genistein được cho là có ái lực gắn kết với các thụ thể estrogen mạnh hơn daidzein, với xu hướng ưu tiên ERβ so với các thụ thể estrogen α (ERα). Giống như genistein, S-equol có sự ưu tiên với ERβ, nhưng được cho rằng có ái lực toàn diện hơn genistein. Bởi vậy hiệu quả cũng như là sinh khả dụng của các isoflavone bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của hệ tiêu hóa và hệ vi khuẩn ruột có thể là một yếu tố giải thích sự đáp ứng điều trị khác nhau ở mỗi cá thể.
Hình: Sơ đồ cơ bản về cơ chế tác dụng kiểu estrogen của các isoflavone đậu nành. Isoflavone đậu nành có thể bình thường hóa hoạt động estrogen ở cả hai tình trạng estrogen cao và thấp. Tác dụng estrogen yếu và ái lực với thụ thể β-estrogen hạn chế khả năng bị các tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan tới liệu pháp thay thế hormone (HRT).
Bằng chứng
Trước đây có một số nhầm lẫn về hiệu quả vì các phân tích tổng hợp trước đây đã không phân biệt các loại phytoestrogen khác nhau; vì vậy các lignan (phytoestrogen) và các isoflavone khác nhau từ cỏ ba lá đỏ, đậu nành và các loại thực vật khác được phân loại vào cùng một nhóm. Cỏ ba lá đỏ (Trifolium pretense) có chứa một loại isoflavone khác phổ biến là biochanin A và formonentin. Chúng lần lượt là dẫn xuất 4’-O-methyl của genistein và daidzein. Chúng được khử methyl nhờ vi khuẩn ruột hoặc men gan, nhưng nó có hiệu quả khá là thấp và xác nhận điểm khác biệt chủ yếu giữa isoflavone từ đậu nành và các isoflavone từ cỏ ba lá đỏ.
Các đánh giá tổng quan đặc hiệu với isoflavone đậu nành cho thấy hiệu quả trong điều trị các cơn bốc hỏa của thời kỳ mãn kinh. Một phân tích tổng hợp 17 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng giả dược (n = 1,992) [11] phát hiện bổ sung isoflavone đậu nành (isoflavone đậu nành TB: 54mg/ngày) làm giảm đáng kể tần suất các cơn bốc hỏa (giảm 20,6% (TB); P<0,0001) và mức độ nặng (26,2%; P=0,001) nhiều hơn so với giả dược. Một đánh giá tổng quan 14 nghiên cứu lâm sàng khác phát hiện khi dùng liều isoflavone đậu nành 50mg/ngày hoặc cao hơn, làm giảm đáng kể các cơn bốc hỏa [12].
Bên cạnh kết quả của các phân tích lớn này, các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy isoflavone đậu nành làm giảm đáng kể ra mồ hôi vào ban đêm [13, 14] và cải thiện cân bằng mỡ máu [15, 16] và chất lượng cuộc sống (tình dục, thể chất, tâm lý tình dục & vận mạch) [17] nhiều hơn giả dược. Đáng quan tâm nhất là isoflavone đậu nành làm giảm đáng kể toàn bộ các chỉ số đánh giá Kupperman (-44,2%) nhiều hơn giả dược (+3,2%; P<0,01) cho thấy lợi ích của isoflavone đậu nành trong việc cải thiện tất cả các khía cạnh của các triệu chứng mãn kinh mà không chỉ riêng vận mạch [15]. Hiện nay chỉ có một nghiên cứu tin cậy chứng minh là bổ sung isoflavone đậu nành có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến tiền kinh nguyệt như là đau đầu, cương đau ngực, chuột rút và sưng viêm [18]. Isoflavone đậu nành được chú trọng để điều trị các cơn bốc hỏa hơn là các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh và PMS là vì đó là triệu chứng thường gặp nhất mà phụ nữ tìm kiếm sự điều trị do nó làm giảm chất lượng cuộc sống. Isoflavone đậu nành cũng có tiềm năng cải thiện các triệu chứng khác nữa, nhưng nó được mong đợi nhất là khả năng làm giảm các cơn bốc hỏa và vì vậy đã được nghiên cứu cẩn thận.\
Xem thêm:
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH Dược Phẩm Nasol Quốc Tế
Hotline: 0387 368 760
Email: info@nasol.com.vn Web: nasol.com.vn
Tin tức khác
- Sự kết hợp Immunecanmix® với những xu hướng điều trị mới cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh
- Ứng dụng Nguyên liệu Collagen trong Mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng
- Chasteberry (Trinh nữ châu âu)- thảo dược vàng giúp cân bằng nội tiết tố nữ
- Ba cơ chế tác động giúp cân bằng hormone của Chasteberry - Nguyên liệu Nasol
- Tác dụng của UP446 trên bệnh viêm xương khớp - nguyên liệu cho bệnh xương khớp
- 5 loại thực phẩm giàu acid lipoic cho bữa ăn hàng ngày - Nguyên liệu Nasol
- Phát hiệu nhiều chất nguy hại cho sức khỏe có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe
- Lịch sử ra đời của Immunecanmix®
- Thảo dược hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả
- Bốn nguyên liệu ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả
Tin nổi bật
Liposomal Iron: muối sắt dưới dạng liposome
16/09/2024
Giảm những cơn đau
01/08/2024
Collagen II thủy phân từ sụn
16/07/2024