Tác dụng giảm ho của Chiết xuất lá thường xuân

1. Nguồn gốc của chiết xuất lá thường xuân (Ivy Leaf Extract)

Chiết xuất lá thường xuân được làm từ lá của cây thường xuân (cây thường xuân tên tiếng anh là Hedera helix).

Lá thường xuân

Thường xuân là loại cây dây leo màu xanh thường thấy ở ven hàng rào nhà ở, được trồng phổ biến làm trang trí trong sân vườn và hai bên hông nhà, hàng rào. Cây thường xuân có thể leo tới 20 mét (66 feet) với những chiếc lá thường có màu xanh và lưỡng hình. Trên các cành không có hoa thì lá có 3 đến 5 thùy với gân trắng, giống hình quạt, còn trên các cành có hoa, lá có hình thoi hoặc hình mác. Khi nếm lá khô thì có mùi vị đắng và khét.

2. Đặc điểm sử dụng trong lịch sử

Vị thần hy lạp với vòng lá thường xuân trên đầu

 Không chỉ là một cây dây leo trang trí, cây thường xuân đã được sử dụng như một loại thuốc thảo dược đã có hàng trăm năm. Cây thường xuân có rất nhiều ý nghĩa trong thời cổ đại, nó là biểu tượng của lòng chung thủy ở Hy Lạp, lá thường xuân thường được trang trí trên đầu 1 số vị thần La Mã.  Các nhà thảo dược truyền thống đã sử dụng quả thường xuân để chống lại bệnh dịch còn lá thường xuân đun sôi trong giấm được sử dụng để chữa đau dạ dày và làm sạch vết loét. Những phương pháp này ngày này không còn được sử dụng nữa thay vào đó chúng ta thường thấy lá thường xuân trong thành phần các loại thuốc trị ho có nguồn gốc tự nhiên.

3. Thành phần hóa học của lá thường xuân

Lá thường xuân chứa các thành phần như glycoside flavonoid, axit phenolic, polyacetylene và saponin.  Hai thành phần quan trọng là saponin (chiếm 5-8%) và hàm lượng thấp emetine (một alkaloid) - kết hợp lại, chúng có tác dụng giúp làm mỏng, làm lỏng và làm sạch chất nhờn. Các nghiên cứu invitro chỉ ra rằng saponin α-hederin monodesmosidic (phân tử có chuỗi glycoside đơn), có thể xuất hiện từ saponin hederacoside C bisdesmosidic trong quá trình làm khô lá thường xuân, góp phần vào hoạt tính dược lý tổng thể của dịch chiết lá thường xuân.

4. Cơ chế tác dụng giảm ho của chiết xuất lá thường xuân

Ho là một cơ chế bảo vệ sinh lý, tự phát của cơ thể, chống lại các tác nhân kích thích niêm mạc đường hô hấp. Không nên ức chế ho có đờm khi các triệu chứng ho không cản trở quá mức đến sinh hoạt bình thường mà thay vào đó các chất làm tan chất nhầy được khuyến khích. Chiết xuất lá thường xuân được khuyến khích sử dụng vì có thể làm giảm ho bằng cách này.

Các cơ chế cơ bản vẫn chưa được phát hiện đầy đủ, nhưng dữ liệu dược lý cho thấy sự gia tăng đáp ứng  β 2 - adrenergic của tế bào phế nang loại II và tế bào cơ phế quản có thể dẫn đến tác dụng làm tan chất đờm và giãn phế quản (mở rộng phế quản- đường dẫn khí) được quan sát thấy trong các nghiên cứu lâm sàng. 

Các saponin trong lá thường xuân có thể giúp giảm các triệu chứng ho bằng cách:

  • Làm loãng độ đặc của chất nhầy trong đường thở của bạn
  • Làm lỏng chất nhờn từ phổi của bạn
  • Làm sạch chất nhầy bằng cách giúp ho ra dễ dàng hơn
  • Làm dịu cơn ho

Nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả và độ an toàn của các chế phẩm từ lá thường xuân để điều trị các bệnh đường hô hấp đã có từ những năm 1950. Một số bằng chứng khoa học cho thấy lá thường xuân có hiệu quả trong việc giảm mức độ ho so với điều trị bằng giả dược ở người lớn. Nghiên cứu khác ở trẻ em cho thấy lá thường xuân có thể so sánh với thuốc acetylcysteine ​​trong việc cải thiện các triệu chứng ở trẻ bị viêm phế quản cấp (cấp tính).

Một nghiên cứu được tiến hành cho kết quả sau 7 đến 10 ngày sử dụng chiết xuất từ ​​lá thường xuân, các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên nhẹ như ho hoặc khạc ra đờm đã được cải thiện ở phần lớn bệnh nhân [1].

Trong một nghiên cứu khác, bác sĩ đã cho những bệnh nhân bị ho khó chịu do cảm lạnh thông thường, viêm phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ với đặc điểm có hình thành chất nhầy dùng chiết xuất từ ​​lá thường xuân. Kết quả thu được:  86% bác sĩ và 90% bệnh nhân trong nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chiết xuất lá thường xuân là rất tốt hoặc tốt sau trung bình 12 ngày sử dụng [2].

5. Khả năng dung nạp, tác dụng phụ, chống chỉ định của lá thường xuân

Khả năng dung nạp

Chiết xuất lá thường xuân được chứng minh là có khả năng dung nạp tốt, với 97% bác sĩ và bệnh nhân đồng ý trong một nghiên cứu đánh giá khả năng dung nạp của nó là rất tốt hoặc tốt [2].

 Một nghiên cứu khác cho thấy rằng có bằng chứng đáng kể về khả năng dung nạp của lá thường xuân [1].

Tác dụng phụ ghi nhận được của lá thường xuân

Hầu hết các tác dụng phụ bất lợi của lá thường xuân liên quan đến rối loạn tiêu hóa hoặc phản ứng dị ứng, việc sử dụng ngắn hạn (trong 7 ngày) của các chất chiết xuất từ ​​lá thường xuân được các nghiên cứu thảo luận là có nguy cơ không đáng kể trong điều trị cấp tính các bệnh đường hô hấp kèm theo ho.

Các tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày và ruột như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Các phản ứng dị ứng như phát ban, phát ban trên da và khó thở đã được báo cáo với các loại thuốc lá thường xuân, mặc dù tần số của chúng không được biết.

Chống chỉ định khi sử dụng lá thường xuân

Những người quá mẫn cảm (dị ứng) với lá thường xuân không được dùng thuốc chứa lá thường xuân hoặc các loại thuốc khác từ cây thuộc họ thường xuân (Araliaceae). Thuốc chứa lá thường xuân không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi vì nguy cơ làm trầm trọng thêm các triệu chứng hô hấp khi sử dụng thuốc ho ở độ tuổi này. Việc sử dụng đồng thời lá thường xuân và opioid hoặc các thành phần hoạt tính có nguồn gốc từ opioid, như codeine hoặc dextromethorphan, không được khuyến cáo mà không có tư vấn của nhân viên y tế.

Tài liệu tham khảo.

1. Holzinger F. and Chenot J-F. 2010, Systematic Review of Clinical Trials Assessing the Effectiveness of Ivy Leaf (Hedera Helix) for Acute Upper Respiratory Tract Infections, Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine,

2. Buechi S. et al. 2005, Open Trial to Assess Aspects of Safety and Efficacy of a Combined Herbal Cough Syrup with Ivy and Thyme, Forsch Komplementärmed Klass Naturheilkd. 


Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Công ty TNHH Dược Phẩm Nasol Quốc Tế

Hotline: 0387 368 760

Email: info@nasol.com.vn      Web: nasol.com.vn